Sao Việt tạo nên sóng gió trên truyền hình

Đã là những cái tên hàng đầu trong làng giải trí, nhưng khi quyết định ngồi ghế giám khảo các chương trình truyền hình thực tế, rủi ro về phát ngôn và hình ảnh gần như “5 ăn, 5 thua”.
Khi cái tôi nghệ sĩ và vị trí của các sao Việt được “cân đo” trong các chương trình, sự tranh cãi về quan điểm ắt sẽ xảy ra. Vừa qua, khán giả đã không ít phen “ngộp thở” với những màn “đốp chát” của các giám khảo ngay trên sân khấu trực tiếp như thể để xem ai có đủ bản lĩnh trên sóng truyền hình.
“Ăn thua” ngay trên sóng truyền hình
Ở những chương trình truyền hình thực tế được sản xuất tại Việt Nam, yếu tố đáng xem nhất chỉ được phát huy rõ nét khi vào các vòng live show (thi trực tiếp), đặc biệt là các chương trình âm nhạc. Bản lĩnh của các ngôi sao ca nhạc hàng đầu không chỉ được đánh giá ở trình độ, tuổi nghề mà cả sự tự tin khi nói lên quan điểm của mình, có thể bất đồng với số còn lại hoặc cả đám đông khán giả đang theo dõi ngoài kia. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc góp ý, xây dựng cho các thí sinh con đường đi đúng đắn, thích hợp thì đó là sự hoàn hảo cho vị trí của một giám khảo, ngược lại, khán giả sẽ cảm thấy bực bội khi phải chứng kiến các giám khảo cãi nhau để giành phần thắng về mình.Sao-Viet-2_JQJF httaurus1805
Giám khảo “Nhân tố bí ẩn”.
Trong live show 5 của chương trình “Nhân tố bí ẩn 2016”, sau phần thi của thí sinh nhỏ tuổi nhất cuộc thi – Minh Như, một cuộc tranh luận không hề nhỏ xung quanh thí sinh này đã nổ ra giữa các huấn luyện viên. Tại sao lại có những tranh luận mang tính “cá nhân” ngay trên sóng truyền hình như thế? Phải chăng đã có những “con sóng ngầm” đang chờ ngày cuộn trào ở các huấn luyện viên của “Nhân tố bí ẩn” mùa giải năm nay? Thí sinh 17 tuổi Minh Như là học trò trong đội của ca sĩ Hồ Quỳnh Hương và đương nhiên cô bé được “o bế” kỹ lưỡng từ hình ảnh cho đến từng ca khúc dự thi. Vì vậy, nhạc sĩ Dương Khắc Linh không ngại dành tặng cho Minh Như cả một sáng tác, ca khúc mang tên Who cares (tạm dịch Không quan tâm).
Sau phần thi của Minh Như, cả 4 huấn luyện viên bị cuốn vào một cuộc tranh cãi “cá nhân”. Trong khi nhạc sĩ Dương Khắc Linh nhận xét phong độ Mỹ Như chưa tốt thì ca sĩ Tùng Dương lại cho rằng ca khúc không có ý nghĩa tích cực. Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương tỏ ý bênh vực nhạc sĩ Dương Khắc Linh, còn diva Thanh Lam tranh luận về thái độ của Hồ Quỳnh Hương với Tùng Dương. Từ một ca khúc trình diễn của thí sinh, cả 4 ngôi sao làng nhạc biến phần bình luận, đánh giá thành cuộc cãi vã cá nhân, khiến cho không khí cuộc thi trở nên ồn ào. Ồn ào ở đây không phải chất lượng thí sinh mà chính những râm ran hậu trường đã làm cho uy tín của những người ngồi ghế nóng này bị lung lay. Khán giả bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi, liệu trong showbiz có thực sự tồn tại ý nghĩ “kính trên nhường dưới” để làm gương cho thế hệ nghệ sĩ trẻ noi theo?
Thái độ không hài lòng của ca sĩ Hồ Quỳnh Hương với ca sĩ Tùng Dương ít nhiều cho thấy, đang ngấm ngầm một cuộc chạy đua thực sự giữa các giám khảo, huấn luyện viên chứ không chỉ là thí sinh trong cuộc thi này. Vì vậy, không ít ý kiến cho rằng, đa phần các chương trình truyền hình thực tế hiện nay xem để nghe giám khảo nói gì chứ không phải xem thí sinh thi thố ra sao. Hình ảnh giám khảo tranh cãi trên sóng không thiếu trong bất kỳ một chương trình nào, tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau. Nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn cho thấy những “con sóng” cái tôi quá lớn của người nghệ sĩ có thể làm mất hình ảnh của họ chính là cuộc tranh cãi của Thu Minh và Bằng Kiều trong chương trình “Thần tượng âm nhạc Việt Nam”. Xung quanh phần thi của thí sinh người Philippines tên Janice Phương, Thu Minh đã bất đồng quan điểm với Bằng Kiều về cái gọi là kinh nghiệm và độ tuổi nghề. Về quan niệm về thí sinh tham gia một cuộc thi giọng hát của người Việt cần phải thể hiện ngôn ngữ nào là chính, cả Thu Minh và Bằng Kiều đều có những phát ngôn khá gay gắt.
Không khác nhiều so với tranh cãi của ca sĩ Hồ Quỳnh Hương và Tùng Dương, ca sĩ Thu Minh và Bằng Kiều cũng đang đi tìm cho mình sự chiến thắng nhất định trên sóng truyền hình. Vô hình trung, cuộc chiến thực sự không phải ai sẽ là “Thần tượng âm nhạc” mà là giám khảo nào đủ sức bênh vực chính mình và tạo ra “thần tượng” theo ý của họ. Nếu nhìn vào độ hot và thành công ở các chương trình truyền hình thực tế, rõ ràng, Thu Minh vẫn đang ở vị trí cao hơn Bằng Kiều. Sau tất cả những cuộc cãi vã ấy, showbiz dường như không sản sinh thêm nhiều những nhân tài mà chỉ khiến cho dư luận càng xoáy sâu vào hình ảnh của những người nổi tiếng.
“Mất mặt” khi làm giám khảo?
Rõ ràng, sau mỗi độ lên sóng của hàng loạt các chương trình truyền hình thực tế, không ít những người nổi tiếng cảm thấy ngao ngán và sợ khi nhắc đến vị trí này. Ngán vì khán giả đã biết họ quá nhiều, nghe nói cũng không ít và sợ vì sóng truyền hình đôi khi không dành cho những người có “nghệ sĩ tính” mà còn có bản lĩnh ăn nói, tranh cãi và xa hơn là sức “chiến đấu” dài hơi cho những cuộc thi như thế. Thời gian qua, một cuộc thi cũng tạo ra không ít tranh cãi ở phía sau hậu trường, đó chính là “The Face” phiên bản Việt – nơi Phạm Hương, Hồ Ngọc Hà và Lan Khuê cùng ngồi ghế nóng. Dù đây là chương trình ghi hình phát sóng nhưng rủi ro về hình ảnh, cũng như việc cắt ghép để dựng thành một chương trình hoàn chỉnh là khó tránh khỏi.
Trong một cuộc chơi, không thể không tạo kịch tính, vì nếu không hấp dẫn khán giả sẽ không xem. Ngay từ đầu, Phạm Hương đã bị rơi vào hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan” và bị chỉ trích khá nhiều vì sự khó tính của mình. Cư dân mạng xôn xao về Phạm Hương, bênh vực Lan Khuê và có ý khen ngợi Hồ Ngọc Hà. Đó chính là những cái “được, mất” mà đôi khi những ngôi sao này có thể lường trước nhưng họ vẫn theo đuổi cuộc chơi “quyền lực” đó. Đến bây giờ, có thể thấy Phạm Hương chưa ghi được thiện cảm với khán giả qua “The Face” nhưng ở cuộc chiến hình ảnh bên ngoài chương trình, Phạm Hương đã tạo nên sức hút về cá tính của mình.
Dù gì cũng là những chương trình truyền hình giải trí, khán giả xem và có quyền khen chê, song mặt khác, những chương trình thế này lại là “mặt trận” thật sự của showbiz. Nó là nơi tái lập vị trí mới cho các ngôi sao giải trí và cũng là nơi làm mất mặt, gây thất bại ê chề cho họ vì ý đồ của các chương trình. Phạm Hương là một trong rất nhiều trường hợp rủi ro khi quyết định ngồi ghế giám khảo. Một ví dụ khác là đạo diễn Lê Hoàng, kể từ lần đầu đặt chân vào truyền hình thực tế, anh đã được gắn mác là khó tính và đến hôm nay, anh vẫn phải “theo đuổi” hình ảnh ấy.
Dù ít hay nhiều, tính rủi ro trong các chương trình truyền hình thực tế đối với những người ngồi ghế nóng là có thật, đặc biệt càng nguy hiểm hơn khi lên sóng truyền hình trực tiếp. Làm sao để tránh đưa những góp ý trở thành cuộc cãi vã cá nhân như những trường hợp nói trên còn phải trông chờ vào sự tỉnh táo, tiết chế của các ngôi sao giải trí. Công chúng đang trông chờ vào sự góp ý thẳng thắn, chuyên môn và xây dựng của họ hơn là những lời nói, hành động mang tính cá nhân, rẻ tiền và câu khách.

Nguồn: http://httaurus1805.tk/sao-viet-tao-nen-song-gio-tren-truyen-hinh/
 
Top