Các nghị sĩ Mỹ bỏ phiếu thông qua đạo luật JASTA mà không lường trước được hậu quả nó có thể gây ra đối với lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia nước này.
Chưa đầy một ngày sau khi bỏ phiếu bác quyền phủ quyết của Tổng thống Barack Obama về đạo luật cho phép gia đình các nạn nhân vụ 11/9 kiện chính phủ Arab Saudi, nhiều nghị sĩ Mỹ đã bày tỏ nỗi quan ngại về "hậu quả chưa lường trước được" của đạo luật này đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ, theo NBC News.Tổng thống Obama hôm 23/9 phủ quyết Đạo luật Công lý Chống Tài trợ Chủ nghĩa khủng bố (JASTA) đã được lưỡng viện thông qua trước đó. Nhưng một tuần sau, ngày 28/9, Hạ viện và Thượng viện Mỹ bỏ phiếu bác sự phủ quyết của ông Obama, nghĩa là JASTA sẽ trở thành luật.
Hậu quả về kinh tế và an ninh
Quyết định này của các nghị sĩ Mỹ cho phép gia đình các nạn nhân vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 đệ đơn kiện Arab Saudi về sự liên quan với những kẻ tấn công, bởi 15/19 kẻ không tặc là công dân Arab Saudi.
Khi đạo luật JASTA chưa được thông qua, Arab Saudi đã vận động hành lang rất quyết liệt để ngăn chặn. Nỗ lực thất bại này chứng tỏ ảnh hưởng ngày càng suy giảm của Riyadh ở Washington, cho thấy dư luận Mỹ ngày càng quay lưng với Arab Saudi như thế nào.
"Thông điệp mà nó phát đi là Quốc hội Mỹ đã coi Arab Saudi có dính líu tới vụ tấn công 11/9, và đó là sự xúc phạm trực tiếp tới hoàng gia ở Riyadh", Bruce Riedel, cựu sĩ quan CIA và hiện là chuyên gia tại Viện Brookings, nói. "Các hình thức trả đũa có thể sẽ được thực hiện".
Về thương mại và chiến lược, Mỹ và Arab Saudi có liên hệ với nhau rất mật thiết. Mỹ là đối tác mua dầu mỏ lớn của Arab Saudi, trong khi vương quốc này đang nắm giữ lượng trái phiếu Mỹ trị giá 116,8 tỷ USD tính đến tháng 3/2016, theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ.
Các chuyên gia lo ngại rằng việc lưỡng viện Mỹ quyết thông qua JASTA có thể củng cố quyết tâm của Arab Saudi giảm bớt mức độ gắn bó về kinh tế và chính sách với Mỹ.
Trước đó, các nguồn tin thân cận với chính phủ Arab Saudi cảnh báo rằng họ có thể bán trái phiếu kho bạc hoặc rút các tài sản lớn ở nước Mỹ trị giá hàng trăm tỷ USD, nếu nước này cảm thấy bị đe dọa.
"Nỗi sợ lớn nhất không phải là chính phủ Saudi bị cáo buộc có liên quan trực tiếp tới âm mưu 11/9. Nỗi sợ lớn nhất là các tài sản của chúng tôi ở Mỹ có thể bị đóng băng theo một phán quyết của tòa án. Arab Saudi chắc chắn sẽ có biện pháp khẩn cấp để bảo vệ tài sản của mình", thái tử Faisal bin Farhan, chuyên gia phân tích độc lập và là thành viên hoàng gia Saudi, nói.
Tổng thống Obama đã chỉ trích quyết định của Quốc hội, nhấn mạnh rằng nó sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm có thể khiến Mỹ phải đối mặt với các vụ kiện ở tòa án nước ngoài. Các chuyên gia phân tích cho rằng nó cũng sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố và giải quyết cuộc xung đột ở Syria, Yemen.
Theo Saad Alsubaie, học giả Saudi tại Hội đồng Quan hệ Mỹ - Arab Quốc gia tại Washington, những hoài nghi mà đạo luật JASTA gây ra có thể khiến mức độ hợp tác an ninh, tình báo chống khủng bố giữa hai nước giảm sút. "Arab Saudi sẽ không chấm dứt việc chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ hay với các nước khác. Nhưng chống khủng bố không dừng lại ở đó. Đó là sự đầu tư cần đến lòng tin lẫn nhau để phát triển", Alsubaie nhận định.
Cuống cuồng khắc phục
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan hôm qua cho hay Quốc hội sẽ phải tìm cách sửa đổi JASTA để có thể bảo vệ được an ninh quốc gia và sự an toàn của các binh sĩ Mỹ ở nước ngoài, theo WSJ.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest thì mô tả về cái mà ông gọi là "cảm giác hối hận sau mua hàng" của các nghị sĩ sau khi quyết định bác quyền phủ quyết của Tổng thống Obama để thông qua JASTA.
"Chỉ vài phút sau khi bỏ phiếu biến JASTA thành luật, các thượng nghị sĩ lập tức viết một lá thư bày tỏ lo ngại sâu sắc về những tác động tiềm tàng của đạo luật mà họ vừa mới thông qua", Earnest cho biết.
Ông liệt kê một loạt những thư ngỏ của các cựu quan chức CIA, cố vấn an ninh quốc gia, cũng như các bộ trưởng tư pháp châu Âu cảnh báo về hậu quả của đạo luật. Giám đốc CIA John Brennan cũng nói rằng đạo luật này "sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của Mỹ".
"Dốt nát không phải là một cái cớ, đặc biệt là khi liên quan đến an ninh quốc gia, an toàn và an ninh của các nhà ngoại giao, binh sĩ Mỹ", ông Earnest tỏ ra gay gắt.
Thượng nghị sĩ Mitch McConnell thì đổ lỗi cho Nhà Trắng, cho rằng các quan chức chính phủ cần phải có biện pháp can thiệp ngay từ đầu để ngăn lưỡng viện bỏ phiếu bác quyền phủ quyết của Tổng thống.
"Đến lúc mọi người bắt đầu chú ý tới hậu quả tiềm tàng của đạo luật, mọi thứ đã an bài rồi", McConnell nói. "Ai cũng chăm chăm vào những đối tượng được hưởng lợi từ đạo luật, mà không ai thực sự để ý đến hạn chế của nó về phương diện quan hệ quốc tế".
"Cá nhân tôi thấy đây là một sai lầm vì nhiều lý do, đặc biệt là những vấn đề nghiêm trọng như mối đe dọa đối với các binh sĩ, nhân viên ngoại giao, chủ quyền. Hy vọng là chúng ta có thể tìm ra cách để thay đổi tình trạng này", cựu thượng nghị sĩ Trent Lott bày tỏ.
Dù vậy, JASTA đã trở thành luật, và các nghị sĩ Mỹ chỉ có thể xem xét sửa đổi nó trong phiên họp Quốc hội sớm nhất diễn ra sau kỳ bầu cử Tổng thống vào ngày 8/11, ông Bob Corker, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho biết.